WHAT'S NEW?
Loading...

Trung Quốc xây trạm xăng trái phép: Việt Nam cần làm gì?



Phải tận dụng lương tri, luật pháp quốc tế
Theo truyền thông phương Tây, tập đoàn dầu mỏ và hóa chất Trung Quốc đang xây dựng trái phép một trạm xăng và một bể chứa kèm theo trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Thời gian xây dựng là 1 năm, công trình này được cho rằng đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cần thiết trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông trong vài năm tới.

Trước thông tin này, trao đổi với Đất Việt, ngày 14/12, Trung tướng Trần Đình Nhã - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội cho biết: "Thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp xây dựng các công trình quân sự và dân sự như trạm xăng, đèn biển, đường băng trên các đảo mà Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền.


Việc Trung Quốc xây trạm xăng ngay sau khi đưa đường băng vào hoạt động trên đảo Phú Lâm khiến ta có thể suy đoán, nhiều khả năng, họ muốn bổ sung, tiếp xăng dầu, nhiên liệu không chỉ cho tàu thuyền mà xe cộ, cũng như máy bay xung quanh khu vực này''.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phân tích, về phía Trung Quốc, hiện nay họ tuyên bố, xây dựng đường băng là để phục vụ mục đích cứu trợ nhân đạo, dân sự, nhưng đấy chỉ là luận điệu của họ. Việc họ có sử dụng máy bay quân sự hay không, thì không nước nào có thể khẳng định.

Hiện nay, tất cả thế giới đều phản đối hành động tập trận trên Biển Đông của Trung Quốc bởi vì Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kể cả những nước đứng ngoài cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng phải lên tiếng phản đối mục đích quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.


Trung Quốc đang tích cực xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm

Tuy nhiên, về phía Việt Nam, ông Nhã cho rằng, chúng ta phải đấu tranh gìn giữ chủ quyền bằng mọi giải pháp, ở tất cả các đảo chúng ta đã tuyên bố chủ quyền. Quan trọng nhất cần có các giải pháp nhất quán, trước hết, bằng con đường ngoại giao với Trung Quốc.

Sau đó, là tranh thủ các ý kiến đồng thuận trong các cuộc thảo luận song phương, đa phương. Tận dụng lương tri, luật pháp quốc tế để xử lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Phản đối trên mặt trận ngoại giao

Cũng đưa ra quan điểm trước thông tin này, TS Nguyễn Toàn Thắng, giảng viên Khoa Luật Quốc tế - ĐH Luật Hà Nội cho rằng, từ những năm 1974, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng nhiều công trình như trường học, đường băng, thiết lập cả quản lý hành chính, thành lập thành phố Tam Sa, rồi xây dựng các công trình quân sự. Trạm xăng dầu không phải công trình đầu tiên.

"Việc làm này cũng giống như việc họ xây dựng các ngọn hải đăng. Việt Nam cũng chỉ có thể lên tiếng phản đối. Chúng ta chỉ nên có hành động trên mặt trận ngoại giao, không nên sử dụng vũ lực, tránh mắc bẫy của Trung Quốc. Trong trường hợp tương tự, ác nước trên thế giới hiện nay họ cũng sẽ chỉ ra công hàm để phản đối" - ông Thắng nêu rõ.

Phân tích về ý đồ của Trung Quốc, theo ông Thắng, khi Trung Quốc chiếm đóng trên đảo Phú Lâm, họ đã thể hiện rõ mục đích quân sự của mình và việc xây dựng trạm xăng cũng chỉ là một trong những hành động củng cố thêm cho mục đích này của Trung Quốc.

Thế nhưng, theo Luật pháp quốc tế, thì tất cả các hoạt động của Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa không có ý nghĩa về mặt pháp lý, không tạo nên chủ quyền cho Trung Quốc.

Kể cả, nếu vụ tranh chấp được đưa ra Tòa án trọng tài quốc tế, thì tất cả các hoạt động của Trung Quốc cũng không có ý nghĩa để khẳng định chủ quyền, bởi vì, tranh chấp đã xảy ra.

Mà trong Luật quốc tế thì tất cả các hoạt động của các bên thực hiện nhằm củng cố danh nghĩa chủ quyền, sau thời điểm tranh chấp sẽ không có ý nghĩa về mặt pháp lý.

"Chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt để xử lý với phong thái tự tin, dựa theo Luật pháp quốc tế về Biển Đông đối với các hành động liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền", ông Thắng nhấn mạnh.




Châu An / Baodatviet.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét